Đầu tiên chúng ta phải biết rằng, các khuyến cáo về độ tuổi thích hợp để bắt đầu ăn dặm thay đổi qua thời gian thông qua các nghiên cứu khác nhau. Trước đây nghiên cứu cho thấy rằng trẻ nên được ăn dặm từ tháng thứ 4 thì sẽ giúp trẻ đỡ dị ứng về sau. Sau đó, đã có những nghiên cứu phản bác lại những nghiên cứu đó: trẻ ăn một số thức ăn sớm quá (ngoài sữa mẹ) rất dễ bị dị ứng, đăc biệt là những trẻ có cơ địa dễ bị dị ứng như bị chàm. Do đó, hiện nay các tổ chức y tế khuyến cáo xung quanh 6 tháng thì trẻ có thể ăn dặm.
Tuy nhiên không chỉ dựa vào tháng tuổi, mà cha mẹ còn cần dựa vào sự phát triển kĩ năng và vận động của trẻ để quyết định việc cho trẻ ăn dặm.
Thông thường, trẻ cần đạt được mốc phát triển vận động giữ được cổ bởi nếu cổ không đủ vững thì trẻ không thể nuốt được thức ăn đặc và đồng thời trẻ phải quay qua quay lại được đủ để từ chối khi không thích ăn nữa hoặc khi trẻ đã no. Trẻ thường giữ được cổ thẳng trong khoảng ừ 4-6 tháng tuổi. Dĩ nhiên có những trẻ giữ được cổ sớm hơn ( số này rất ít) và có trẻ phải hơn 6 tháng mới đạt được cột mốc này. Do đó, giữ được cổ là cột mốc quan trọng nhất trong việc xác định thời điểm cho trẻ ăn dặm.
Bên cạnh đó, trẻ còn cần đạt đến mốc có thể ngồi khi được hỗ trợ một phần. Và một điều quan trọng nữa là trẻ không còn phản xạ thè lưỡi đẩy ra những gì được đưa vào miệng. Phản xạ này là phản xạ bú và trẻ từ 4 tháng trở xuống vẫn còn phản xạ đó. Đa số trẻ từ tháng thứ 4-5 trở lên đều mất dần phản xạ này và sẵn sàng để ăn thức ăn đặc.
Lợi ích của việc để cho trẻ tự ăn dặm
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ tự ăn thì sẽ không ăn được gì nhiều và sẽ không thể đủ chất, như thế không có lợi gì cho trẻ cả. Thực ra đến khoảng 8 tháng tuổi trẻ đã có thể bốc ăn bởi lúc này tay trẻ đã đủ khéo léo. Dù chưa có răng trẻ vẫn có thể cắn và nhai được bằng nướu ( giống như người già rụng răng). Nếu cắn miếng quá to, trẻ sẽ nhả ra và tự biết cách cắn miếng khác nhỏ hơn và có thể nhai được.
Có nhiều trẻ được mẹ tập cho ăn đồ thô sớm từ tháng thứ 6 theo phương pháp ăn dặm Baby Led Weaning ( ăn tự chủ). Tuy nhiên, ở độ tuổi này, trẻ thường sẽ chỉ nhằn và nuốt một ít nước ( và đường) trong thức ăn, còn lại sẽ nhả bã. Do đó, trẻ sẽ không được cung cấp đủ đạm hay đủ dưỡng chất ( như sắt) cho giai đoạn này. Nhưng cũng có nhiều trẻ ăn thô rất sớm và ăn rất tốt. Vì thế, mẹ nên tùy theo đáp ứng của trẻ mà tăng dần độ thô của thức ăn hoặc có thể kết hợp ăn đồ thô và ăn đồ nghiền (mẹ đút) để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Và nhớ đừng chờ đến khi trẻ đủ răng mới cho ăn thức ăn thô, bởi trẻ mọc răng hàm trong tầm khoảng 2 tuổi, lúc đó là đã quá muộn, trẻ sẽ bị quen với việc nuốt đồ ăn thay vì nhai.
Một trong những trường hợp mà cha mẹ ( người chăm trẻ) cũng thường gặp khi tập cho trẻ ăn đồ thô đó là trẻ dễ bị ói khi trẻ được đút đồ ăn thô. Điều này khiến nhiều cha mẹ lo lắng và chọn phương pháp an toàn là nghiền thức ăn cho trẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là phản xạ bảo vệ bình thường của cơ thể và ai cũng có khi chưa săn sàng cho việc ăn. Vì thế, để cho trẻ có thể ăn thô được cần phải tập. Nếu được tự cầm đồ ăn để ăn thì trẻ phối hợp tốt hơn giữa các cơ, giúp ăn được tốt hơn. Do đó, khi trẻ đã có thể bốc được đồ ăn đưa lên miệng thì nên tập cho trẻ ăn các món finger- food(ăn bốc). Khi phối hợp được tay và miệng, trẻ sẽ nhai và nuốt một cách dễ dàng hơn. tất nhiên, dù tự bốc ăn trẻ vẫn có thể bị ói. Nhưng cha mẹ đừng làm cho trẻ sợ bằng cách ngăn cản hay tỏ ra hốt hoảng. Bởi nếu trẻ rơi vào trạng thái sợ nhiều lần thì trẻ sẽ không làm nữa. Thế nên trẻ bị ói cha mẹ chỉ cần dọn đi, rồi khuyến khích trẻ ăn miếng khác. Sau vài lần trẻ dần sẽ quen và ăn được tốt hơn.
Ngoại trừ một vài trẻ có bệnh lý đặc biệt, như thực quản quá hẹp vì những tổn thương gì đó hay bệnh lý bẩm sinh nào đó (những trường hợp này hiếm vô cùng), thì cha mẹ mới nên sử dụng biện pháp nghiền nát thức ăn cho trẻ. Còn lại đại đa số trẻ sẽ tập ăn được, kĩ năng ăn nhờ đó mà cũng phát triển tốt hơn.
Bài viết được trích dẫn từ tài liệu: Để con được ốm
Xem thêm kiến thức nuôi con tại đây