Mọi người đều có thể nhiễm cúm. Trong đó một số người dễ bị biến chứng nặng của cúm như viêm phổi hay thậm chí tử vong bao gồm: trẻ em, người già trên 65 tuổi, người bị các bệnh mạn tính ( như hen suyễn, tiểu đường) và phụ nữ mang thai. Hiện ở Việt nam vẫn còn tồn tại những hiểu lầm về việc chích ngừa cúm đối với phụ nữ mang thai và thậm chí khi bà mẹ mang thai đến một số cơ sở y tế lơn chuyên về chích ngừa tại thành phố Hồ Chí Minh, họ được tư vấn là “không được chích ngừa cúm trong thai kỳ“. Tuy nhiên đây là một lời khuyên đi ngược lại khuyến cáo của y học thế giới.
Phụ nữ mang thai có nhiều thay đổi trong cơ thể để thích nghi với việc mang trong mình một “sinh vật lạ”. Bào thai được xem như là một tạng ghép và cơ thể sẽ có khuynh hướng thải ghép. Vì vậy hệ miễn dịch của mẹ phải bị giảm đi để chấp nhận tạng ghép ấy trong người cho đến khi đủ ngày tháng để ra đời. Bên cạnh đó, tim và phổi của mẹ cũng thay đổi để thích nghi với việc nuôi bào thai, vì thế nếu như mẹ bị một số bệnh nhiễm khuẩn nào đó (như cúm hay trái rạ), họ có nguy cơ bị biến chứng rất nặng của bệnh đó. Ví dụ như mẹ viêm phổi nặng và có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, cho dù mẹ có thể khôi phục được thì bào thai cũng có nguy cơ bị tổn thương hoặc sinh non. Thực tế là trong đại dịch cúm toàn cầu H1N1 vào năm 2009, đa số những ca tử vong ở Việt Nam đều là phụ nữ mang thai. Vậy nên, trong đợt dịch cúm đó, đối tượng ưu tiên được chích ngừa cúm là phụ nữ mang thai.
Việc chích ngừa cúm ở phụ nữ mang thai không những an toàn mà còn có lợi về nhiều mặt. Nó giúp ngừa cúm và các biến chứng nặng của cúm ở bà mẹ mang thai. Nó giúp ngừa những vấn đề có thể xảy ra trong thai kỳ như sảy thai, sinh non hay con sinh nhẹ cân và cũng giúp ngừa được cúm ở trẻ nhũ nhi, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Điều này là nhờ kháng thể mẹ tạo ra sau khi chích cúm sẽ được truyền cho trẻ thông qua nhau thai, trước khi trẻ được tiêm mũi cúm đầu tiên lúc 6 tháng tuổi.
Một số nghiên cứu cho thấy em bé sinh ra từ người mẹ có chích ngừa cúm trong thai kỳ sẽ giảm nguy cơ bị cúm và nhập viện do cúm trong mùa cúm đầu tiên trong đời của trẻ. Vaccine cúm dạng chích ( vaccine chết hay còn gọi là vaccine bất hoạt ) đã được sử dụng cho hàng triệu phụ nữ mang thai qua nhiều năm và chưa ghi nhận gây hại gì cho bà mẹ và thai nhi. ở phụ nữ đang mang thai, không sử dụng các vaccine sống giảm độc lực như sởi, quai bị, rubella, trái rạ hay vaccine cúm dạng xịt mũi. Vaccine cúm có thể chích ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ.
Tương tự như vậy, hiện nay vaccine ho gà cũng được khuyến cáo chích cho mẹ đang mang thai vì có nhiều bằng chứng cho thấy em bé của người mẹ đã được chích ngừa ho gà ít có nguy cơ bị mắc ho gà hơn em bé mà mẹ chưa được chích ho gà. Bệnh ho gà nguy hiểm nhất khi sảy ra ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhũ nhi. Do đó, khi mang thai, nếu người mẹ chưa được chích cúm, ho gà thì nên đến các trung tâm chủng ngừa và đề nghị được chích phòng.
Bài viết được trích dẫn từ tài liệu: để con được ốm.
—>> Xem thêm kiến thức nuôi con tại đây