NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ SỐT CO GIẬT
Nguyên nhân của sốt co giật rất nhiều, trong đó có tình trạng nhiễm trùng: nhiễm trùng do siêu vi, nhiễm do vi khuẩn hoặc là tình trạng sau trích ngừa cũng có thể khiến trẻ bị sốt co giật. Ví dụ như trích ngừa sởi, quai bị, rubella sau khoảng 1-2 tuần trẻ có thể bị sốt và co giật.
Ngoài ra, tình trạng sốt co giật ở trẻ thường hay có yếu tố gia đình. Có thể tiền căn trong gia đình đã có những người bị co giật khi sốt như vậy lúc nhỏ như ba me, anh, chị…….
Tuy nhiên cho đến nay, hầu như chưa ai biết được tại sao trẻ lại bị co giật khi sốt. Một số suy đoán cho rằng, tác nhân gây ra vấn đề co giật ở trẻ là do chất hóa học nào đó trong cơ thể tiết ra hơn là do nhiệt độ sốt.
Sốt co giật có gây ảnh hưởng đến não bộ và bệnh động kinh?
Tình trạng sốt co giật thường khiến người nhà rất lo sợ, nhất là cha mẹ rất hảng hốt khi con bị sốt co giật. Nhiều bậc cha mẹ cũng lo lắng rằng đứa bé bị co giật sau này có thể bị ảnh hưởng não. tuy nhiên, đây là một điều lo lắng tương đối chưa có cơ sở khoa học. Nói chung, tình trạng sốt co giật hầu như không nguy hiểm và không để lại di chứng gì về thần kinh cho trẻ về sau. Tình trạng này cũng không gây tổn hại đến não, cũng như không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến trí thông minh của trẻ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, những trẻ bị sốt co giật từ nhỏ vẫn thông minh, học giỏi, trí nhớ tốt, hành vi cư xử bình thường như những trẻ không bị sốt co giật.Thông thường tình trạng sôt co giật ở trẻ sẽ hết sau 6 tuổi, một số trường hợp sẽ hết sau 7 tuổi. Và trẻ lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh.
Cũng có nhiều cha mẹ lo lắng rằng trẻ bị sốt co giật là triệu chứng của bệnh động kinh. Điều này cũng không đúng. Bởi trẻ bị sốt co giật không có nghĩa là trẻ bị động kinh. Động kinh( epilepsy) là tình trạng trẻ bị co giật ít nhất 2-3 lần trở lên mà không thèm sốt, nó khác hoàn toàn với sốt co giật.
Cách xử lý khi con bị sốt co giật
Dù có lo lắng đến đâu, điều quan trọng nhất để xử trí khi trẻ bị sốt co giật là cha mẹ phải bình tĩnh. thường đa số trường hợp trẻ co giật do sốt sẽ tự chấm dứt sau 1-2 phút, nên trẻ không cần phải tiêm thuốc chống co giật. Nếu sau khoảng 5 phút mà trẻ vẫn bị co giật, thì phụ huynh nên đưa bé đến trung tâm cấp cứu gần nhất để dược xử lý kịp thời. Có thể bé dẽ được cho thuốc để chống co giật.
Điều cần chú ý là người chăm sóc trẻ phải giữ cho đường thở của trẻ được thông thoáng bằng cách cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi thấp để đờm nhớt trong miệng trẻ chảy ra, ” không nhét bất cứ thứ gì vào miệng trẻ đang co giật” và đừng cố giữ trẻ đẻ ngân sự co giật.
Nhiều cha mẹ thường quá lo sợ trong cơn co giật trẻ sẽ tự cắn lưỡi nên lấy cây đè lên lưỡi, nhét vào miệng bé hoặc lấy tay cho vào miệng. Thực tế là trong đời làm bác sĩ tại khoa cấp cứu tôi chưa bao giờ gặp trẻ nào bị co giật mà tự cắn lưỡi. Ngược lại, tôi chỉ toàn gặp những trường hợp tre cắn rách tay người nào đó cố nhét tay vào miệng trẻ. Tôi gặp trường hợp người lớn cố nạy răng trẻ ra, làm chảy máu nướu, thậm chí làm gãy răng của trẻ. Do đó, cha mẹ không được nhét bất cứ thứ gì vào miệng trẻ bởi khi bị co giật, bé đã nghiến chặt hai hàm răng của mình lại rồi, nên bé không thể nào để lưỡi vào giữa hai hàm răng để cắn vào lưỡi.
Một sai lầm thường gặp khác là người ta vắt chanh hay sả vào miệng đứa bé đang co giật. Điều này có thể gây ra nguy hiểm cho tính mạng của trẻ bởi khi trẻ khi ngưng co giật thì có thể hít vào hoặc sặc hột chanh hay dị vật vào đường thở khiến trẻ bị tắc thở. và trong thực tế đã có trường hợp để lại di chứng ở não do trẻ bị thiếu ôxy não vì nghẹt thở như vậy.
Vậy nên việc vắt chanh hay sả vào miệng, hay cạo gió hay là hành động nào đó khác đi nữa thì cũng không làm cho trẻ ngưng co giật, mà hầu hết co giật do sốt sẽ tự chấm dứt sau vài phút. Khi trẻ ngưng co giật và bắt đầu tỉnh lại, người nhà có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt.( paracetamol hay ibuprofen đều được).
Bài viết được trích dẫn từ tài liệu: Để con được ốm
Xem thêm kiến thức nuôi con tại đây